Kính thưa quý thầy giáo, cô giáo cùng các em học sinh thân mến!
M.Ceclekar đã từng viết:
“Đọc sách là cách nuôi dưỡng trí tuệ”. Đúng vậy, đọc sách
không chỉ giúp các em mở mang kiến thức mà còn bồi đắp cho tâm hồn, giúp các em sống có
trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đối với cộng đồng, đọc sách góp
phần phát triển văn hóa đọc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người
Hà Nội thanh lich, văn minh; xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.”
Hôm nay thư viện trường Tiểu học Cổ loa xin giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em học sinh cuốn sách: "Dế Mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài.
Truyện viết về thế giới loài vật vô cùng phong
phú, ngộ nghĩnh: chị Cốc, chị Cò, cái Vạc, cái Nông, chú Dế Choắt, anh Dế Mèn
bác Gọng vó, chị Bọ Ngựa, anh Xiến Tóc,…. Mỗi con vật, một cuộc đời khác nhau
được nhà văn Tô Hoài khắc họa rõ nét và sinh động, ấn tượng nhất là nhân vật
Dế Mèn.
Dế Mèn trong tác phẩm "Dế Mèn
phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài là một hình tượng đặc sắc, thể hiện rõ
nét quá trình trưởng thành, từ một chú dế trẻ ngông cuồng, kiêu ngạo trở thành
một nhân vật có trách nhiệm và biết suy nghĩ. Ban đầu, Dế Mèn được miêu tả là
một chàng dế thanh niên cường tráng, tự hào về ngoại hình và sức mạnh của mình.
Dế Mèn sống tự lập từ nhỏ. Với vẻ ngoài ưa nhìn, cơ
thể cường tráng, khỏe mạnh, chú ta luôn kiêu căng. Hành động của Dế Mèn: “co
cẳng lên đạp phanh phách vào các ngọn cỏ” để thử sự lợi hại của chúng. Những cử
chỉ như “chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt
râu”, “thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái” đã góp phần thể hiện sự khỏe
khoắn, mạnh mẽ và ngông cuồng của Dế Mèn. Chính đặc điểm ngoại hình và hành
động này khiến chú kiêu căng, hợm hĩnh, coi thường người khác.
Tính cách của Dế Mèn được khắc họa rõ nét. Đó là tính
hống hách, coi thường người khác: “Tôi tợn lắm. Dám cà khịa với tất cả mọi bà
con trong xóm. Khi tôi to tiếng thì ai cũng nhịn, không ai đáp lại.” Tính cách
đó thể hiện trong việc đối xử với người bạn hàng xóm tên Dế Choắt. Chú chê bai:
“Sao chú mày sinh sống cẩu thả quá như thế. Nhà cửa đâu mà tuềnh toàng… Ôi
thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn..”. Hay khi Choắt bày tỏ ý
muốn Dế Mèn đào một cái ngách sang bên nhà của Mèn, để khi có kẻ đến bắt nạt
thì giúp đỡ nhau. Nhưng Dế Mèn lại khinh khỉnh: “Hức! Thông ngách sang nhà ta?
Dễ nghe nhỉ? Chú mày hôi như cú mèo thế này, ta nào chịu được. Thôi, im cái
điệu hát mưa dầm sùi sụt ấy đi. Đào tổ nông thì cho chết!”.
Bởi tính căng kiêu căng, Dế Mèn đã gây ra một tai họa.
Cậu ta bày trò trêu chị Cốc khiến chị ta nổi giận. Ngay cả khi Dế Choắt bị vạ
lây, bị chị Cốc mổ cho đến chết. Dế Mèn vẫn không dám ra cứu bạn. Sự việc này
cho thấy Dế Mèn là một kẻ nhút nhát, dám làm không dám chịu.
“Ở
đời mà có thói hung hăng bậy bạ, có óc mà không biết suy nghĩ sớm muộn rồi cũng
mang họa vào thân”. Câu nói của Dế Choắt trước khi chết giống như một lời thức
tỉnh cho Dế Mèn. Cậu ta đứng trước mộ của Choắt và nghĩ về bài học đường đời
đầu tiên của mình.
Qua sự việc này, Dế Mèn đã hối hận
và thức tỉnh. Từ một chú dế chỉ biết đến bản thân, Dế Mèn dần nhận ra giá trị
của sự quan tâm và giúp đỡ người khác. Chú biết đồng cảm, thương yêu kẻ yếu,
sẵn sàng ra tay giúp đỡ, bênh vực che chở cho chị Nhà Trò yếu đuối. Không những
thế, Dế Mèn còn biết phân tích lí lẽ thuyết phục khiến bọn Nhện nhận ra lẽ
phải, chủ động phá dây tơ chăng lối, trả
lại tự do cho Nhà Trò.
Nhà văn Tô Hoài đã sử dụng hình
tượng Dế Mèn để truyền tải thông điệp về sự trưởng thành, về việc từ bỏ tính
kiêu ngạo, tự phụ và hướng tới một cuộc sống có ý nghĩa hơn. Dế Mèn trở thành
biểu tượng cho hành trình của tuổi trẻ, cho thấy rằng mỗi chúng ta đều có khả
năng thay đổi và trở nên tốt đẹp hơn thông qua những trải nghiệm và bài học
trong cuộc sống. Đây là một bài học quý giá mà nhà văn muốn gửi gắm đến người
đọc, đặc biệt là các bạn trẻ, về việc xây dựng một nhân cách đẹp và một tâm hồn
giàu lòng nhân ái.
Sách hiện đã có tại Thư viện nhà trường, các em hãy cùng đón đọc trong các tiết thư viện nhé!